Sốc nhiệt là bệnh lý đặc trưng bởi tình trạng tăng nhiệt độ cơ thể trên 40 độ C, kèm theo rối loạn chức năng thần kinh (rối loạn ý thức, hôn mê, co giật). Có hai loại là sốc nhiệt kinh điển và sốc nhiệt gắng sức.
Sốc nhiệt kinh điển hay gặp ở người già, cơ thể suy nhược, trẻ em, người có bệnh tim mạch... hoặc do tiếp xúc một cách thụ động với một môi trường có nhiệt độ cao trong nhiều giờ, nhiều ngày. Sốc nhiệt gắng sức xảy ra ở người trẻ, khỏe mạnh, thường phơi nhiễm với nhiệt độ môi trường tăng cao, sự sinh nhiệt lúc tập thể dục, gắng sức.
Biểu hiện sốc nhiệt
gồm nhiệt độ cơ thể trên 40 độ C, da nóng và khô, mệt, đau đầu, khó thở, đỏ mặt, nôn mửa và tiêu chảy, rối loạn nhịp tim, hạ huyết áp, cơn động kinh, hôn mê, suy gan, suy thận, rối loạn đông máu, tiêu cơ vân... Sốc nhiệt có thể gây biến chứng đến tất cả bộ phận cơ thể như tụt huyết áp, thủng cơ tim, viêm phổi, phù phổi, suy thận cấp, hoại tử ống thận cấp, hạ hoặc tăng kali máu, hạ canxi máu, hạ đường huyết, liệt nửa người, hôn mê, vàng da, suy gan...
Khả năng cứu sống bệnh nhân tùy thuộc thời gian từ lúc tăng thân nhiệt đến khi được điều trị. Nếu được phát hiện sớm, bù dịch đầy đủ, điều trị tích cực các biến chứng, bệnh nhân trên 90% sống sót. Tình trạng sẽ xấu khi bệnh nhân trên 42,2 độ C, hôn mê, hoại tử tế bào gan, rối loạn đông máu, tăng thân nhiệt kéo dài, suy thận, tăng kali máu...
Bệnh nhân cần được điều trị ngay bằng cách hạ thân nhiệt và hỗ trợ chức năng các cơ quan. Để làm lạnh bên ngoài, ngâm bệnh nhân trong nước đá song có thể gây co mạch ngoại vi, rét run, hạ thân nhiệt quá, khó theo dõi các chức năng sống. Ngoài ra có thể đặt các túi chườm đá vào vùng bẹn, nách, cổ hoặc sử dụng chăn làm lạnh... Vì thế, bác sĩ khuyến khích hạ thân nhiệt cho bệnh nhân bằng chườm nước mát, dội nước mát vào người, ngâm trong nước mát.
Đưa bệnh nhân đến bệnh viện, có thể vừa vận chuyển vừa hạ thân nhiệt.
Bệnh nhân vào viện sẽ được bù nước và điện giải bằng cách làm lạnh càng nhanh càng tốt để hạ thân nhiệt với tốc độ 0,2 độ C một phút, nhiệt độ trực tràng xuống 38 độ C, nhiệt độ da 30-33 độ C. Tuy nhiên nếu hạ thân nhiệt thấp hơn lại gây tác dụng phụ. Bệnh nhân sau đó sẽ được ổn định chức năng hô hấp tuần hoàn, thở máy khi có suy hô hấp, bù dịch theo áp lực tĩnh mạch trung tâm, sử dụng các thuốc nâng huyết áp nếu cần, tránh thuốc kích thích. Bệnh nhân có biểu hiện tiêu cơ vân sẽ phải bù dịch và lợi tiểu. Trường hợp bị suy đa tạng phải lọc máu liên tục, lọc gan, tuần hoàn ngoài cơ thể.
Ngày 13/9, Bệnh viện Nhi Trung ương tiếp nhận bé Nguyễn Tấn Lợi 3 tuổi ở Bắc Ninh sốc nhiệt do bị bỏ quên khoảng 8 giờ trên ôtô. Ông Trần Minh Điển, Phó Giám đốc Bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết bé vào viện đã hôn mê, may mắn được cứu sống nhờ khâu cấp cứu ban đầu kịp thời, xe đậu ở nơi râm mát và kính xe được hạ hở 10 cm.
Khi được phát hiện
, chức năng sống của bé vẫn còn, còn thở, tim đập tốt, chỉ có tri giác bị ảnh hưởng với biểu hiện lơ mơ, hôn mê.
Theo ông Điển, trẻ bị bỏ quên trên ôtô, tùy theo cơ địa, thời gian... sẽ gây sốc nhiệt nặng hay nhẹ. Trẻ em thường tăng thân nhiệt nhanh hơn người lớn, nguy cơ mất nước cũng cao hơn.
Thứ Sáu, 27 tháng 9, 2019
Xử trí khi sốc nhiệt trong ôtô
22:52